Ngày Thiết kế Ý 2022 với tiêu điểm hướng đến sự bền vững

Ngày 30/3/2022, Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới cùng tham dự Ngày Thiết kế Ý 2022 (Italian Design Day – IDD) với chủ đề: “Tái tạo. Thiết kế và công nghệ đổi mới hướng tới một tương lai bền vững”. Để đánh dấu cho sự kiện lần này, Đại Sứ quán Ý, Cơ quan Thương vụ Ý và Tổng Lãnh sự quán Ý tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hàng loạt các hoạt động tại khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ ngày 25/3/2022. 

Tại đầu cầu Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE) đã tổ chức buổi tọa đàm kết hợp với nội dung xoay quanh chủ đề của Ngày Thiết kế Ý 2022 cũng như thảo luận về khả năng ứng dụng tại Việt Nam. 

Tại đây, KTS Marco Lambri – Đại sứ Thiết kế Ý tại Việt Nam năm 2022, Giám đốc Thiết kế của Tập đoàn Piaggio đã có bài phát biểu quan trọng về thiết kế công nghiệp và sự chuyển đổi. Hội thảo còn có sự góp mặt của các diễn giả nổi tiếng khác như: PGS. TS Phạm Duy Hòa – Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, ông Antonio Alessandro – Đại sứ Ý tại Việt Nam và ông Christian Manhart – Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Tại đầu cầu TP. Hồ Chí Minh, chương trình được diễn ra tại khách sạn Caravelle với các bài diễn văn chủ chốt do ông Antonio Alessandro và KTS Marco Lambri trình bày thông qua công nghệ giao tiếp trực quan từ Hà Nội. Ông Enrico Padula – Tổng Lãnh sự Ý tại TP.HCM và ông Fabio De Cillis – Giám đốc Thương vụ Ý tại Việt Nam đã có mặt trực tiếp tại sự kiện và dẫn dắt cuộc thảo luận với những nội dung xoay quanh về tầm quan trọng của Ngày Thiết kế Ý đối với quan hệ thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam và Ý. Ông Gianluca Fiume – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Piaggio Việt Nam và Giáo sư Ngô Thị Thu Trang – Trưởng Khoa Thiết kế Mỹ thuật Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch VDAS tại TP. Hồ Chí Minh, cũng đã có bài phát biểu tại sự kiện. 

Kiến trúc sư Marco Lambri – Giám đốc Thiết kế Tập đoàn Piaggio, Đại sứ Ngày Thiết kế Ý 2022 tại Việt Nam cho biết: “Trong tất cả các giai đoạn thay đổi lớn lao, điển hình như ở giai đoạn mà chúng ta đang sống, thiết kế đóng vai trò chủ chốt. Việc tạo ra các ý tưởng, dự án, mối quan hệ là một cơ hội tốt để cải thiện cuộc sống của chúng ta cũng như các thế hệ tương lai“.

Bên cạnh hai buổi tọa đàm trên, cũng phải kể đến chuỗi hoạt động ý nghĩa khác trong khuôn khổ sự kiện Ngày Thiết kế Ý:

  • Hội thảo dành riêng cho sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội với sự dẫn dắt của ông Matteo Ballini, Giám đốc Marketing Sản phẩm Piaggio Việt Nam, ngày 25/3/2022;
  • Buổi chiếu phim “Enrico Piaggio: Một giấc mơ Italy”, ngày 25/3/2022 tại trung tâm giao lưu văn hóa Casa Italia, 18 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội;
  • Triển lãm Thiết kế Vespa và Piaggio tại khuôn viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội;
  • Triển lãm Piaggio, Eurasia Concept và Lý Gia Viên tại Khách sạn Caravelle, TP. Hồ Chí Minh. 

Hướng tới sự phát triển bền vững 

Kể từ lần đầu ra mắt vào năm 2017, Ngày Thiết kế Ý giờ đây đã trở thành một sự kiện trọng đại tại hơn 100 thành phố trên toàn thế giới. Đây cũng là cơ hội để hỗ trợ chiến lược quốc tế hóa đối với các lĩnh vực công nghiệp chiến lược cho kim ngạch xuất khẩu Ý của Ý. Được coi là quốc gia đi đầu về kiến trúc và thiết kế, nước Ý đã tiên phong trong việc tạo ra sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật, thiết kế, toán học và công nghệ để thúc đẩy tính bền vững. 

Chủ đề của Ngày Thiết kế Ý năm nay cũng đồng thời nêu bật mục tiêu chính của chương trình kỷ niệm hằng năm. Theo đó, sự kiện mong muốn thúc đẩy một kế hoạch phát triển và đổi mới để từ đó có thể cải thiện chất lượng sống và bảo vệ hành tinh. 

Nền móng của mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam và Ý đã giúp Việt Nam có cái nhìn sâu sắc hơn về cách mà nước Ý đã gặt hái được thành công trong công cuộc chuyển đổi sinh thái – vừa đảm bảo chất lượng và an toàn cuộc sống người dân mà vẫn đảm bảo giảm thiểu tác động đối với môi trường. Nhiều năm qua, Việt Nam cũng đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Ý và Liên minh châu Âu trong quá trình đẩy mạnh hiện đại hóa đất nước. Việt Nam đặt mục tiêu theo bước chân của Ý trong việc hướng tới sự tiến bộ lấy tính bền vững làm trung tâm.

Tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương 

Bên cạnh mục tiêu giới thiệu các kỳ quan kiến trúc tuyệt đẹp nhất của nước Ý và các ý tưởng thiết kế tiên phong đến cộng đồng Việt Nam, Ngày Thiết kế Ý đồng thời cũng là nền tảng lớn mở ra cơ hội tăng cường mậu dịch song phương, hợp tác bền vững trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất. 

Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thương mại song phương Ý và Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, đạt 5,6 tỷ Euro vào năm 2021, tăng v trưởng 21% so với năm trước. Theo đó, 10 mặt hàng xuất khẩu đứng đầu của Ý những năm gần đây bao gồm công nghệ, nguyên liệu dệt may, hóa chất và dược phẩm. Dù chưa được thể hiện rõ trong các báo cáo kinh doanh và dữ liệu xuất khẩu, thế nhưng thiết kế và kiến trúc là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Ý sang Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. 

Có thể thấy, Ngày thiết kế Ý là dịp đặc biệt để hội tụ các các cá nhân và doanh nghiệp liên quan trong ngành, mở ra những cuộc đối thoại sâu sắc về sự khác biệt giữa Việt Nam và Ý, cũng như làm thế nào để những điểm khác biệt này thực sự có thể đem lại cho cả hai một nền móng chung để cùng nhau hợp tác. 

——————-

Đôi nét về Ngày thiết kế Ý

Ngày thiết kế Ý là sự kiện theo chủ đề được tổ chức thường niên tại hơn 100 thành phố trên toàn thế giới. Chương trình bao gồm các buổi triển lãm, tọa đàm và nhiều sự kiện khác như một nền tảng mở ra cơ hội cho những người yêu quý nghệ thuật, các nhà thiết kế, các kiến trúc sư cũng như những nhà hoạch định cảnh quan, phát triển đô thị được khám phá thêm về các sáng kiến phát triển bền vững và bảo tồn cái đẹp trên phạm vi toàn cầu. Ngày Thiết kế Italy năm nay tập trung vào chủ đề “Tái tạo, thiết kế và công nghệ đổi mới hướng tới một tương lai bền vững.” 

Đôi nét về kiến trúc sư Marco Lambri, Đại sứ của “Ngày thiết kế Ý” 2022 tại Việt Nam

Marco Lambri (sinh ngày 23/03/1967) là kiến trúc sư kiêm nhà thiết kế đến từ nước Ý. Ông tốt nghiệp ngành Kiến trúc, chuyên ngành Thiết kế Công nghiệp tại trường Đại học Bách khoa Milan (Politecnico di Milano). Năm 1999, ông làm việc tại Trung tâm Phong cách Lancia. Đến năm 2001, ông chuyển công tác sang Trung tâm Phong cách Alfa Romeo. Năm 2005, ông gia nhập tập đoàn Piaggio với vai trò là Giám đốc Phong cách cho hãng xe Vespa và Piaggio. Kể từ năm 2012, ông được bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Thiết kế cấp cao và dẫn đầu trong việc sáng tạo nên nhiều mẫu xe, bao gồm mô tô, xe tay ga và xe thương mại cho tất cả các thương hiệu của tập đoàn (Aprilia, Moto Guzzi, Piaggio, Vespa). Ông và các thành viên của tổ chức đã được trao tặng nhiều giải thưởng, bao gồm giải “Xe tay ga xuất sắc nhất” do Hiệp hội Thiết kế Xe máy tổ chức (2007), giải thưởng Compasso D’Oro danh dự cho mẫu Vespa 946 (2016) và Vespa Elettrica (2020) do Hiệp hội thiết kế công nghiệp ADI tổ chức. 

icon icon